Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Giữa những ngày nắng rực rỡ và những ngày mưa như trút tại Hà Nội cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023, không gian và thời gian dường như lắng lại để chuẩn bị bước vào những mùa thu ý nghĩa khi ngành TT&TT sẽ kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện 15/8 và ngành TT&TT 28/8.
Mùa thu cũng là mùa của tựu trường. Và câu chuyện chuyển đổi số cơ sở giáo dục và đại học số đã được toà soạn Tạp chí TT&TT đặt ra và mỗi phóng viên, biên tập viên lại mong muốn đi tìm những câu chuyện trong hành trình ấy.
Đối với tôi, câu chuyện là được gặp một nhà khoa học trẻ, anh Ngô Quốc Dũng, nguyên Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin, khoa Công nghệ thông tin 1, và hiện là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT). Anh cũng vừa vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về điển hình tiên tiến trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc 2023. Có thể nói, anh Ngô Quốc Dũng là một trong những người trẻ tiêu biểu của ngành TT&TT tiếp nối thế hệ đi trước.
Câu chuyện bắt đầu với việc liên lạc với anh Ngô Quốc Dũng phải mất vài lần bởi như nhiều nhà khoa học thường lặng lẽ làm việc nhiều hơn nói. Thuyết phục, nhắn tin qua lại mãi, cùng với đó là sự đồng ý của lãnh đạo Học viện, anh Ngô Quốc Dũng mới chia sẻ những câu chuyện tham gia vào vào những công việc chuyển đổi số Học viện và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.
NỖ LỰC GÓP SỨC CHUYỂN ĐỔI SỐ HỌC VIỆN VÀ XÂY DỰNG CÁC NỀN TẢNG SỐ
Nói đến chuyển đổi số Học viện công nghệ BCVT là nói đến chỉ đạo của người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Cách đây khoảng 3 năm, trong những ngày cuối năm bận rộn của năm 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi thăm và làm việc với Học viện công nghệ BCVT. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lúc đó đã căn dặn: “Học viện chuyển đổi số thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một “quốc gia số” thu nhỏ”.
“Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số. Học viện là một xã hội thu nhỏ, mà lại là người trẻ, năng động và công nghệ, rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số ở đây, không chỉ việc học mà cả việc quản lý và sinh hoạt. Muốn đào tạo nhân lực chuyển đổi số thì Học viện sống, học tập và làm việc trong môi trường số, đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất”, Bộ trưởng lúc đó đã nhấn mạnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo này của người đứng đầu ngành TT&TT với mục tiêu Học viện công nghệ BCVT phải mạnh mẽ chuyển đổi số hướng tới Đại học số và là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và xây dựng Đại học số, anh Ngô Quốc Dũng chia sẻ, Học viện cũng đã cụ thể hoá thông qua chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020 – 2025 với một nội dung quan trọng về xây dựng Đại học số. Từ đó, Ban chỉ đạo chuyển đổi số Học viện được thành lập và anh Ngô Quốc Dũng là một thành viên trong tổ kỹ thuật, đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Học viện.
Sau những sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, của tập thể Lãnh đạo Học viện, chuyển đổi số và Đại học số của Học viện đã được triển khai và thực hiện bước đầu, gồm:
Triển khai hệ thống tuyển sinh/nhập học số trực tuyến trong thời kỳ COVID-19: Giúp cho 100% thí sinh/tân sinh viên nộp và khai báo hồ sơ trực tuyến qua hệ thống tuyển sinh/nhập học số của Học viện và dữ liệu được liên thông với tất cả các phòng ban liên quan, sinh viên đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển tại nhà, không cần di chuyển đến Học viện. Toàn bộ phần nộp phí, lệ phí, thanh toán được thực hiện 100% trực tuyến và liên thông trực tiếp với các ngân hàng lớn (BIDV, Agribank).
Triển khai áp dụng thí điểm cấu phần phần mềm kết nối toàn bộ sinh viên, cố vấn học tập của hệ đào tạo từ xa: Cụ thể cấp tài khoản cho trên 600 sinh viên và 4 cán bộ cố vấn học tập, quản lý đào tạo; Triển khai 100% các thông báo, hướng dẫn, thông tin học tập cho sinh viên hệ từ xa thông qua phần mềm; Kết nối trực tiếp các hoạt động hỗ trợ của cố vấn học tập với sinh viên qua hệ thống phần mềm.
Triển khai hệ thống định danh và xác thực tập trung cho cán bộ/giảng viên/sinh viên Học viện: giúp cho việc triển khai và mở rộng hệ thống chuyển đổi số được thực hiện một cách dễ dàng và trong suốt với người dùng.
Triển khai thí điểm hệ thống quản lý nghiệp vụ đào tạo cho toàn bộ các nghiệp vụ quản lý đào tạo hệ Đào tạo từ xa tại Trung tâm 1: Quản lý lớp sinh viên đầu vào, Quản lý hồ sơ sinh viên, Quản lý việc đăng ký học tập, Quản lý kết quả học tập, ..v.v. Hiện nay, hệ thống đã quản lý 100% dữ liệu sinh viên hệ từ xa và thực hiện các nghiệp vụ giáo vụ (đăng ký học tập);
Triển khai thí điểm hệ thống LMS kết hợp với Zoom cho 100% lớp học của sinh viên hệ đào tạo từ xa: Cụ thể mỗi sinh viên có tài khoản LMS riêng để tự học tập với học liệu, thảo luận chuyên đề trên diễn đàn và gặp gỡ giải đáp thắc mắc trên hệ thống học tập trực tuyến;
Triển khai thí điểm hệ thống quản lý khoa học số: Với việc triển khai chức năng này, toàn bộ thông tin khai báo, kết quả và tổng hợp dữ liệu sẽ được triển khai hoàn toàn trên môi trường mạng và hỗ trợ ra quyết định kịp thời cho phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc nói riêng và lãnh đạo Học viện nói chung;
Triển khai thí điểm sổ tay Đảng viên điện tử tại Học viện: Việc cung cấp đầy đủ, kịp thời cho cán bộ, đảng viên những thông tin chính thống có ý nghĩa rất quan trọng. Những tiện ích mà phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” mang lại, đặc biệt là trong việc cung cấp thông tin chính thống cho đảng viên góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tạo tiền đề triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Để thực hiện những kết quả triển khai trên, tổ kỹ thuật của Ban chỉ đạo chuyển đổi số mà Ngô Quốc Dũng tham gia luôn nhận được sự phối hợp với các đơn vị Khoa/Phòng triển khai công tác chuyển đổi số của Học viện. Các giải pháp chuyển đổi số từ việc phối hợp này đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, tối ưu hoá nguồn lực của Học viện.
Cụ thể, các phân hệ Quản trị số của Học viện đã được hình thành gồm: (1) Phân hệ quản trị điều hành số (IoC); (2) Phân hệ quản trị kế hoạch; (3) Phân hệ quản trị cơ sở vật chất; (4) Phân hệ quản lý tổ chức cán bộ; (5) Phân hệ quản lý công nợ sinh viên; (6) Phân hệ quản lý nghiên cứu khoa học.
Các phân hệ Đào tạo số, gồm có: (1) Phân hệ tuyển sinh/nhập học số; (2) Phân hệ Quản lý và xác thực VBCC với Blockchain và chữ ký số; (3) Phân hệ quản lý đào tạo số; (4) Lab thực hành ảo; (5) Cổng thông tin Học liệu mở MOOC; (6) Cổng chia sẻ dữ liệu mở; (7) Cổng thông tin việc làm.
Các phân hệ Xã hội số, gồm có: (1) Phân hệ dịch vụ 1 cửa; (2) Phân hệ kết nối sinh viên/giảng viên/nhà trường; (3) Phân hệ tương tác phản hồi.
Các nền tảng nổi bật như hệ thống thực hành Dlab có bài (với 10 học phần) đã tới 5, 6 triệu lượt truy cập. Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, lựa chọn cùng Đại học Bách khoa Hà Nội là hai đơn vị thực hiện đối soát toàn bộ lệ phí xét tuyển Đại học cho toàn bộ thí sinh trên cả nước trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm 2022 và 2023.
Học viện cũng đã xây dựng học liệu số các môn học chính trị với các chuyên gia hàng đầu và sẽ áp dụng triệt để vào năm 2023. Học viện cũng xây dựng các sản phẩm khóa học số và hệ thống học trực tuyến mở (MOOC), các ứng dụng công nghệ số trong lớp học số PTIT, ứng dụng học liệu số mới, phòng điều hành PTIT số. Dịch vụ trực tuyến mức độ 4 đã được Học viện đưa vào sử dụng, đặc biệt ứng dụng ngay trong các dịch vụ căng-tin của nhà trường như gọi dịch vụ ăn uống đã được tích hợp trên nền tảng ứng dụng (app) S-link của PTIT (PTIT S-link).
Ngay trong tháng 4/2023, đã có gần 1.000 yêu cầu đặt đồ ăn, uống trực tuyến (P-Coffee) thông qua ứng dụng của Học viện, là hình thức thúc đẩy các em sinh viên Học viện tham gia vào S-link tích cực hơn.
Hiện đã có gần 10 cơ sở đào tạo đã và đang sử dụng 1 phần các phân hệ do Học viện nghiên cứu và phát triển, gần 30 trường đã đến thăm quan, học tập mô hình Đại học số của Học viện.
Ngoài ra, anh Ngô Quốc Dũng cũng chia sẻ: “Trong tất cả các buổi hội thảo về chuyển đổi số Đại học thì Học viện luôn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi số giáo dục Đại học”.
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ XUẤT PHÁT TỪ THỰC TIỄN
Câu chuyện chuyển đổi số của Học viện được anh Ngô Quốc Dũng chia sẻ tiếp tục với việc trong năm 2022, anh cùng với nhóm các cán bộ đã bảo vệ thành công Đề tài cấp Bộ TT&TT về “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống liên thông và xử lý dữ liệu phục vụ chuyển đổi số giáo dục đại học, ứng dụng tại Học viện”. Đề tài được bảo vệ thành công nhờ những thực tiễn triển khai và ý nghĩa thiết thực mang lại.
Theo anh Ngô Quốc Dũng, với cách tiếp cận coi “Đại học như một Quốc gia số thu nhỏ” thì việc xây dựng một trục liên thông dữ liệu dựa trên khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 là tối quan trọng.
Hệ thống liên thông và xử lý dữ liệu giúp cho dữ liệu được lưu trữ là duy nhất, toàn vẹn trên toàn hệ thống, tránh việc bị trùng lặp dẫn đến mất tính nhất quán của dữ liệu. Dựa trên hệ thống này, Học viện đang hoàn thiện dần để liên thông tất cả các phân hệ, dịch vụ của Học viện nói riêng và tiến tới sẵn sàng kết nối với hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học ở Việt Nam (Hemis) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Khi được hỏi về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh Ngô Quốc Dũng chia sẻ nhiệm vụ của anh tại cơ sở giáo dục đại học là Học viện công nghệ BCVT với vai trò của một giảng viên là nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh việc đảm bảo công tác giảng dạy, việc nghiên cứu, hướng dẫn các bạn thạc sỹ, nghiên cứu sinh cũng là một nhiệm vụ quan trọng.
Từ những nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học đã giúp anh hình thành các nhóm nghiên cứu từ chính các bạn sinh viên/nghiên cứu sinh để từ đó huy động sức mạnh tập thể từ chính nội lực của Học viện để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chuyển đổi số không chỉ cho Học viện mà còn cho các cơ sở đào tạo khác nhằm thực hiện chiến lược, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Học viện và của Bộ TT&TT.
Bật mí thêm thông tin, anh Ngô Quốc Dũng cũng đang được giao nhiệm vụ soạn thảo xây dựng Chương trình đào tạo và chuyển hóa Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện dần thành Đại học số toàn trình làm hình mẫu “sandbox” để từng bước áp dụng ngược lại Học viện công nghệ BCVT.
Được công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, cái nôi nghiên cứu hàng đầu của Ngành TT&TT, là cán bộ khoa học trẻ và mới được giao đảm nhận trọng trách mới, anh Ngô Quốc Quốc Dũng chia sẻ thêm đây là một vinh dự. Trong những năm qua, Viện đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển Ngành TT&TT, của Học viện khi Học viện đang tiến tới kỷ niệm 70 truyền thống trường Bưu điện – Vô tuyến điện, ngành TT&TT tiến tới kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Ngành TT&TT.
Truyền thống của Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện đã được khẳng định qua quá trình phát triển của Học viện, ngành TT&TT. Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện hiện có đội ngũ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm, đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, luôn năng động sáng tạo, cập nhật kịp thời kiến thức mới sẵn sàng phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển của ngành và của xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Với môi trường đầy truyền thống khoa học đáng tự hào đó, anh Ngô Quốc Dũng cho biết đã tạo thêm sức mạnh để anh tiếp tục có những cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, cho công cuộc chuyển đổi số của Học viện, của đất nước. Được biết chỉ riêng trong năm 2021 – 2022, anh Ngô Quốc Dũng đã có 10 công bố khoa học tại các hội nghị/tạp chí quốc tế (trong đó có 4 bài ISI và 5 bài trong danh mục Scopus). Các công bố đều liên quan đến bảo mật IoT, lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu và thực thực tiễn cho không gian số hiện nay. Có lẽ những kết quả nghiên cứu khoa học của anh Ngô Quốc Dũng về chuyển đổi số và bảo mật IoT phần nào nói lên niềm đam mê nghiên cứu khoa học của anh.
665 lượt xem