Đổi mới sáng tạo tạo động lực thúc đẩy hoạt động Khoa học Công nghệ

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Sydney (Úc) tổ chức thành công Vòng chung kết Cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm Sáng tạo Đổi mới P-Innovation 2024”
16/05/2024
Chung kết cuộc thi: PTIT YOUNG E-BUSINESS STAR 2024 với chủ đề “Logistics thông minh”
18/05/2024

Là đơn vị đào tạo trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược của quốc gia là Giáo dục đào tạo và Khoa học công nghệ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đang đảm nhận sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của đất  nước. Với quan điểm “Nghiên cứu và Phát triển khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo là nền tảng và động lực cho sự phát triển của Học viện, gắn kết và hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo”, trong những năm qua, lĩnh vực khoa học công nghệ của Học viện đãcó những bước chuyển mình và đạt được nhiều kết quả nổi bật:.

Học viện ban hành Chiến lược khoa học Công nghệ tầm nhìn đến năm 2030:

Ngày 24/4/2023, Học viện đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-HĐHV về việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030. Chiến lược đã nêu rõ, đến năm 2030, hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Học viện đóng vai trò nền tảng, góp phần quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển Học viện thành trường đại học hàng đầu về quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; trở thành trường đại học nằm trong số các trường đại học hàng đầu Đông Nam Á về công nghệ số.

Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể, Học viện sớm hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo theo hướng 100% đơn vị nghiên cứu trực thuộc Học viện tham gia các hoạt động đào tạo; gắn kết hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp để giải quyết các bài toán thực tế của xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hướng tới đưa Học viện tham gia các bảng xếp hạng đại học quốc tế; xem xét thành lập trung tâm ĐMST và doanh nghiệp KHCN trực thuộc Học viện.  Cùng với đó, phát triển hoạt động KH,CN&ĐMST phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong hoạt động quản trị đại học với 100% các dịch vụ phục vụ hỗ trợ người học được thực hiện trực tuyến, góp phần xây dựng Học viện trở thành hình mẫu về chuyển đổi số đại học của Việt Nam.

Những kết quả nổi bật trong năm 2023:

Việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo động lực thúc đẩy các hoạt động Khoa học công nghệ trong thời gian qua. Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện tiếp tục khởi sắc về thu hút được sự tài trợ, đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, duy trì được sự phát triển các nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, tăng trưởng các nhiệm vụ KHCN ở địa phương. Các công trình nghiên cứu khoa học tăng trưởng tốt về các công bố quốc tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Học viện đã và đang hiện diện ở nhiều địa phương, lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần hiện thực hoá, cụ thể hoá các chủ trương của Chính phủ, Bộ TTTT về chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học: Năm 2023, Học viện thực hiện 04 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, cấp Tỉnh/Thành phố và tương đương, 21 đề tài, 02 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ TTTT, 01 đề tài KHCN cấp Bộ GD&ĐT, Học viện đã thực hiện 211 đề tài NCKH cấp Học viện, 148 đề tài sinh viên; 482 báo cáo chuyên đề; khoảng 90 bài báo khoa học WoS/Scopus.

Năm 2023, Học viện cũng tham gia nhiều dự án, chương trình tài trợ từ các tổ chức quốc tế : Dự án nghiên cứu “Hệ thống IoT nông nghiệp dựa trên điện toán biên” NICT (Nhật Bản) do Quỹ ASEAN-IVO tài trợ, Dự án CDAC (Ấn Độ), Dự án MOTIVE và Dự án DigiEU do Cộng đồng châu ÂU tài trợ, Dự án theo Chương trình APT 2020 và APT 2023,… Học viện đã thành lập 04 phòng Lab nghiên cứu chuyên sâu (Lab Kinh tế số, Lab Báo chí – Truyền thông, Lab Dữ liệu và hệ thống thông minh, Lab Bưu chính số) góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực.

Đối với hoạt động dịch vụ KHCN: Mặc dù thị trường dịch vụ KHCN có sự cạnh tranh rất mạnh, và các doanh nghiệp truyền thống, đối tác như VNPT, MobiFone, Viettel, FPT, CMC,… đều có bộ phận nghiên cứu phát triển R&D riêng với tiềm lực tài chính mạnh; song các Viện nghiên cứu của Học viện vẫn nỗ lực vừa tái cấu trúc, đổi mới hoạt động nghiên cứu, vừa tìm kiếm các thị trường ở các bộ ngành, địa phương. Kết quả năm 2023:  Viện Công nghê Thông tin và Truyền thông CDIT thực hiện 40 hợp đồng; Viện KHKT Bưu điện: thực hiện 39 hợp đồng;  Viện Kinh tế Bưu điện: doanh thu 339 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2023.

Đối với hoạt động Xuất bản Tạp chí KHCN và các hoạt động khác: Học viện đã thực hiện xuất bản được 08 số tạp chí KHCN cho 02 chuyên san (chuyên san điện tử, viễn thông & CNTT và chuyên san kinh tế & truyền thông); tạp chí chuyên san Kinh tế và Truyền thông đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm; Bên cạnh đó, Học viện cũng hoàn thành xây dựng, áp dụng, chuyển đổi số Hệ thống Quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2015 của Học viện.

Trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ từ đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phòng nghiên cứu, đầu từ nguồn lực chất lượng cao, có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học,… để Học viện sớm đạt mục tiêu trở thành trường đại học có quy mô và chất lượng đào tạo, nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về công nghệ số, là một trong các đơn vị chủ lực cung cấp nhân lực, tri thức, chuyển giao công nghệ phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

2522 lượt xem