Áp dụng công nghệ mới và kỹ thuật số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo

Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông giành giải Ba chung kết quốc gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI (SV.STARTUP) năm 2024
13/05/2024
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hợp tác với Công ty Cổ phần EON Reality Vietnam thiết lập Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Không gian “Spatial AI Center”
14/05/2024
Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là một lựa chọn mà là sự cần thiết. Chúng ta cần áp dụng công nghệ mới và kỹ thuật số vào quy trình giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục chất lượng, phù hợp với thời đại.

Ngày 14/5, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã diễn ra Tọa đàm “Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục & đào tạo”.

Tọa đàm do Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam – nhà cung cấp chuyên về giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo tổ chức, với sự tham gia của đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các chuyên gia trong ngành cùng đại diện một số trường đại học, cao đẳng và khối dạy nghề trên toàn quốc.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

 PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu tại Tọa đàm

PGS.TS Trần Quang Anh cho rằng, việc chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là một lựa chọn mà là sự cần thiết. Chúng ta cần áp dụng công nghệ mới và kỹ thuật số vào quy trình giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục chất lượng, phù hợp với thời đại.

Theo PGS.TS Trần Quang Anh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực ICT, tự hào là một trong các đơn vị đào tạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, được lãnh đạo Bộ tin tưởng, giao nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, áp dụng trong việc giảng dạy, theo dòng chảy và xu thế của chuyển đổi số quốc gia trong giáo dục.

“Hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, nắm bắt được xu hướng công nghệ tiên tiến hiện nay, lựa chọn được đối tác tiềm năng, tin cậy để đồng hành, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đồng hành với Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam để đưa Học viện trở thành một trong các đơn vị đào tạo ngành thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy và học tập”, PGS.TS Trần Quang Anh chia sẻ.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đánh giá: tình hình kinh tế thế giới đang trong quá trình biến đổi, chuyển đổi rất nhanh. Tất cả các nền kinh tế, từ quốc gia phát triển tới các nước đang phát triển đều phải đối mặt với những bài toán chung. Trước hết là biến đổi “quá nhanh” của công nghệ, kèm theo những yêu cầu, thách thức phi truyền thống.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm 

Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có những câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu ngành nghề sẽ thay đổi như thế nào? Liệu yêu cầu về trình độ kỹ năng của người lao động sẽ thay đổi như thế nào? Những câu hỏi này luôn được các nhà nghiên cứu về việc làm, giáo dục đặt ra. Bên cạnh đó, luôn có sự nghi ngờ rằng: Liệu có phải con người đang bị mất việc làm hay không? Ông Phạm Vũ Quốc Bình nhìn nhận, trên thực tế, một số cuộc cách mạng công nghiệp ở nước ta đều chứng minh được rằng khi bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp mới thì nhiều việc làm, nhiều kỹ năng sẽ mất đi, kèm theo đó là rất nhiều việc làm, kỹ năng mới xuất hiện với một giá trị gia tăng cao hơn, cơ hội việc làm lớn hơn.

Ông Bình nhấn mạnh, chúng ta cần phải tiếp tục xác định được nhu cầu, kỹ năng trong tương lai. “Những yêu cầu này thay đổi rất nhanh chóng. Có thể ngày xưa 1-3 năm mới cần thay đổi lại công nghệ, nhưng hiện công nghệ diễn ra với tốc độ có khi chỉ tính bằng hằng tuần, hằng tháng”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng chúng ta phải tận dụng được lực lượng lao động hiện có, biến lực lượng này trở thành nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu mới. “Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện đào tạo khoảng 800 ngành nghề, từ ngành nghề cơ bản đến ngành nghề mới. Chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề cho những ngành nghề có những kỹ năng mà thực tiễn đang cần. Ví dụ với ngành bán dẫn, chúng ta có thể đào tạo bổ sung cho những ngành liên quan như điện tử, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa”, ông nói. Đồng thời nhấn mạnh chúng ta phải nhanh chóng trong việc bổ sung kiến thức, kỹ năng và trong việc nâng cao chất lượng về sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam.

Tọa đàm với sự tham gia của đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các chuyên gia trong ngành cùng đại diện một số trường đại học, cao đẳng và khối dạy nghề trên toàn quốc. 

Trong phần tham luận chính, ông Dan Lejerskar, Chủ tịch, Người sáng lập Tập đoàn EON Reality Toàn cầu với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành đã chia sẻ và mang đến nhiều thông tin thú vị cùng phần trình diễn công nghệ Thực tế ảo, Thực tế tăng cường và Trí tuệ nhân tạo đặc sắc qua nền tảng EON-XR. Đồng thời mang đến góc nhìn quốc tế về ứng dụng VR, AR, AI vào giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm thành công từ các dự án tiêu biểu trên thế giới./.

                                                                                                          Tin, ảnh: Đỗ Thoa

Nguồn: https://dangcongsan.vn/

2680 lượt xem