Nữ tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam nhận bằng sáng chế của Mỹ

Thư mời tham dự Hội thảo “Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế (Medical AI)”
20/02/2019
Công ty Sekisho Việt Nam thông báo tuyển dụng
21/02/2019

Với học lực xuất sắc, được tuyển thẳng vào 4 trường đại học (ĐH) thuộc hàng tốp phía Nam, Dương Thị Thùy Vân đăng ký thi vào ngành công nghệ thông tin (CNTT) chỉ vì cô muốn khám phá và thử thách bản thân.


TS Dương Thị Thùy Vân (thứ 3 từ trái sang) hướng dẫn sinh viên làm sa bàn Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Để theo đuổi niềm đam mê này, cô đã khép lại ngành sư phạm toán chỉ sau một học kỳ. Và rồi trái ngọt đã đến khi cô hoàn thành chuyên ngành CNTT với kết quả xuất sắc, học tiếp cao học rồi tiến sĩ. Và chưa đầy 2 năm sau khi có học vị tiến sĩ, cô đã vinh dự nhận bằng sáng chế của Mỹ.

Từ đam mê công nghệ

Năm 2000, Dương Thị Thùy Vân đăng ký thi vào ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở phía Nam. “Tôi đăng ký thi vào ngành này vì thời điểm đó ngành CNTT của học viện này rất hút thí sinh và cũng vì muốn khám phá tại sao ngành này lại hấp dẫn đến vậy. Và tôi cũng bất ngờ khi kết quả thi đạt 27 điểm, xếp thứ 2 đầu vào”, Dương Thị Thùy Vân bộc bạch.

Vừa học sư phạm, vừa học “lén” ngành CNTT nhưng sau một học kỳ, Dương Thị Thùy Vân xin bảo lưu kết quả học ngành sư phạm toán để quyết tâm theo học ngành CNTT vì môn học này thật sự làm cô thích thú. Gặp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè khi cho rằng con gái mấy ai học ngành của phái mạnh, cô đã mất một thời gian dài để thuyết phục bằng những kết quả học tập xuất sắc. Năm 2004, cô được công ty phần mềm nổi tiếng TMA Solution mời về làm mà không cần hồ sơ xin việc hay phỏng vấn. Sau đó, cô lại trúng tuyển cao học ngành CNTT tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM).

Cô nhớ lại: “Khi nhận giấy báo nhập học cao học, tôi xin về Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm việc để tiện cho việc học tiếp. Quyết định chấm dứt công việc đang làm cũng khó khăn vì không dễ xin vào làm việc tại công ty này. Nhưng may mắn đã mở ra trên con đường học vấn khi tôi được GS Cao Hoàng Trụ và GS Phan Thị Tươi hướng dẫn”.

Năm 2010, Dương Thị Thùy Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành CNTT vào năm 2015. Chuyên ngành mà cô theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Khi bảo vệ luận án tiến sĩ, cô đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus, một kết quả ít ai ngờ tới đối với nữ nghiên cứu sinh trong ngành CNTT tại Việt Nam.

Đến thành quả quốc tế

Chỉ sau một năm bảo vệ thành công luận án, TS Dương Thị Thùy Vân mạnh dạn đăng ký đề tài “Hệ thống điều hòa không khí thông minh” ở Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO). Năm 2016, USPTO đã công nhận bằng sáng chế cho đề tài này của cô vì rất hữu ích nếu áp dụng trong điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với bệnh nhân hay từng người trong cùng phòng, do mỗi người có cơ địa khác nhau, phù hợp với một nhiệt độ nhất định. Đề tài này cũng hữu ích khi nuôi trồng các loại nông sản trong cùng một hệ thống nhà thông minh vì mỗi loại cây cũng cần một điều kiện nhiệt độ, môi trường và chế độ dinh dưỡng khác nhau.

Hiện nhóm nghiên cứu của TS Dương Thị Thùy Vân cũng đã đăng ký hồ sơ và được USPTO tiếp nhận 2 đề tài khác liên quan đến các giải pháp thông minh khác trong lĩnh vực CNTT.

Chia sẻ về sự thành công của mình, TS Dương Thị Thùy Vân bộc bạch: “Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học không có giới hạn hay ràng buộc nào để phân biệt ngành này dành cho nam hay ngành kia dành cho nữ. Nếu có đam mê thì ắt sẽ thành công. Cũng giống như bao phụ nữ khác, tôi cũng gặp những khó khăn trong quản lý thời gian hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì bù lại cũng có những thuận lợi. Chẳng hạn như lĩnh vực phần mềm mà tôi theo đuổi, phụ nữ có những lợi thế hơn nam về sự tỉ mỉ, cẩn thận nên dễ phát hiện các lỗi khi viết lập trình”.

Dù đã gặt hái được nhiều thành công nhưng TS Dương Thị Thùy Vân vẫn còn trăn trở: Việt Nam không thiếu các nhà khoa học tầm cỡ quốc tế. Cái thiếu của chúng ta chính là sự kết hợp và thiếu tầm nhìn. Với xu thế hiện nay, các lĩnh vực nghiên cứu đều phải có sự liên kết và tích hợp để giải quyết những vấn đề mà xã hội đang cần. Nếu giải quyết được tình trạng mỗi người mỗi ngành và gắn kết giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng thì chắc chắn số bằng phát minh, sáng chế quốc tế của Việt Nam sẽ không thua kém các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

                                                                                                             THANH HÙNG

                                                                                                  (Nguồn: https://baomoi.com)

2631 lượt xem