Nữ giảng viên Gen Z và “gia tài” các bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế

PGS,TS Ngô Xuân Bách: Tâm tình nghề giáo
24/05/2022
Nữ giảng viên 8X vượt qua cái khó của ‘người tìm đường’
24/05/2022

GD&TĐ – Sinh năm 1997 (thuộc thế hệ Gen Z), nữ trợ giảng Nguyễn Thị Hằng Duy trở thành hiện tượng của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông khi sở hữu 12 bài báo khoa học...


Nguyễn Thị Hằng Duy (25 tuổi, quê Quảng Ninh) là một trong hai nữ trợ giảng trẻ tuổi nhất của khoa Viễn thông – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông vừa trúng tuyển nhờ thành tích học tập xuất sắc và thành tích nghiên cứu khoa học vượt trội.

Nhà khoa học trẻ không “hoàn hảo”

Theo Hằng Duy, cô đã có 12 bài báo khoa học, trong đó có 9 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI. Đặc biệt, nữ giảng viên có cho mình 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng thế giới có tuổi đời hơn 150 năm – Nature.

Chia sẻ với chúng tôi, mơ ước của Hằng Duy là làm việc cho các công ty công nghệ hàng đầu. Tuy vậy, đầu vào rất khó nên chỉ có thành tích thật tốt để hoàn thành giấc mơ.

“Mình là người cầu toàn nên chú tâm vào tất cả các môn học vì môn nào cũng mang lại kiến thức, nền tảng. Thay vì tự thưởng thời gian rảnh để xem phim, lướt Facebook như bạn bè, mình dành thời gian đọc sách. Với mình, khám phá kiến thức trong từng trang sách cũng như khám phá phố phường Hà Nội, có nhiều ngóc ngách, con đường mới…”, Nguyễn Thị Hằng Duy nói.

Tuy vậy, con đường dẫn tới thành công không phải lúc nào cũng trải toàn “hoa hồng”. Hẳng Duy bồi hồi nhớ lại đầu năm 2016, khi đó cô vừa kết thúc học kỳ 1 năm nhất. Nhờ thành tích cao môn Đại số và Giải tích, cô sinh viên trẻ được nhận vào đội thi Olympic Toán học cho sinh viên các trường Đại học ở Bình Định.

Ở kỳ thi chính thức, Hằng Duy đã không thể giành được bất kỳ giải thưởng nào dù trước đó quá trình ôn luyện rất tốt.

“Gặp phải đề thi em không quen, nhiều dạng bài mới nên tâm lý choáng ngợp và không còn giữ được sự tỉnh táo để tư duy làm bài nữa”, Hằng Duy bộc bạch.

Đến năm thứ 4 Đại học, Hằng Duy một lần nữa đạt điểm D+ ở môn Các kỹ thuật lập trình. Theo Hẳng Duy, cô đã học hết các kỹ thuật lập trình nhưng lại chỉ lướt quá kiến thức phần “cây nhị phân” – phần có mặt trong đề thi.

“Mình đã khóc rất nhiều, mất mấy đêm không ngủ được vì chủ quan. Chính bài học ấy khiến em phải cẩn trọng, chăm chỉ và tính toán cẩn thận hơn cho những mục tiêu trong tương lai. Đặc biệt là không thể bỏ qua một chi tiết nào, dù nhỏ nhất…”, Nguyễn Thị Hẳng Duy cho hay.

Bước ngoặt cuộc đời

Tận dụng thời gian rảnh rỗi, năm thứ 3 Đại học, Hẳng Duy nhận gia sư cho học sinh THPT. Bên cạnh đó, cô sinh viên này còn bắt đầu “bén duyên” với nghiên cứu khoa học ở trường và dần trở thành thành viên chủ chốt của Lab (phòng thí nghiệm – PV) nghiên cứu quảng tử Silic của TS Trương Cao Dũng.

Từ bước đệm đó, thành công dần đến với Nguyễn Thị Hằng Duy. Cô nhận nhiều bằng khen từ Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông dành cho sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc trong suốt hai năm.

Chỉ trong vòng hai năm từ 2019 – 2021, cái tên Nguyễn Thị Hẳng Duy đã xuất hiện trên 12 bài báo khoa học được công bố, trong đó có tới 9 bài báo ISI thuộc các nhóm hàng đầu (ISI-Q1 và Q2). Đặc biệt, cô là tác giả chính của một bài báo ISI-Q1 được công bố trên tạp chí chuyên ngành IEEE Access thuộc Viện kỹ thuật Điện – Điện tử danh tiếng của Hoa Kỳ. Điểm GPA cũng đạt loại xuất sắc với điểm số trên 3,6.


Hằng Duy trong hội nghị quốc tế ICCE 2021-Phú Quốc.

Nói về cô, TS Trương Cao Dũng chia sẻ: “Hằng Duy là một sinh viên xuất sắc, người có những phẩm chất khoa học thực sự. Tôi phải cám ơn em ấy rất nhiều vì đã trợ giúp tôi đạt được những thành tựu đáng kể trong hai năm qua. Đặc biệt góp sức rất lớn cho tôi trong việc thực hiện dự án khoa học được tài trợ trong năm đầu tiên của Quỹ VINIF đạt được kết quả thật sự vượt quá sự mong đợi”.

Trong khi đó, GS.TS Trịnh Minh Tuấn – Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) – nhận định Hằng Duy là trường hợp “rất hiếm” vì tại các đại học Hoa Kỳ cũng không có nhiều sinh viên giỏi có thành tích công trình nghiên cứu công bố quốc tế như vậy.

“Hai bài báo của Hẳng Duy đăng trên hệ thống danh tiếng Nature là điều mà các nhà khoa học đã có học vị tiến sĩ ở đây cũng rất khó khăn lắm mới có được”, GS.TS Trịnh Minh Tuấn cho biết.

Vừa qua, cô cùng nữ đồng nghiệp trẻ tuổi Trần Thị Thanh Thủy có vinh dự nhận học bổng Naver dành cho chương trình Thạc sĩ sau khi cô trở thành học viên cao học thuộc chuyên ngành Kỹ thuật viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ do hãng Naver, đối tác của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tài trợ, bà Đặng Thu Hà – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ – cho hay: “Việc Naver trao cho Hằng Duy xuất học bổng là thành quả đáng ghi nhận của em ấy. Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện và khuyến khích các giảng viên trẻ phát huy hơn nữa các thành tích khoa học ở tầm quốc tế.

Từ đó, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nâng tầm trong vị thế là một trong những đại học hàng đầu cả nước về khoa học và công nghệ trong thời đại chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến vào Top 1000 Bảng xếp hạng các trường Đại học thế giới”.

Chia sẻ về dự định tương lai, Hằng Duy cho biết trước mắt cô sẽ hoàn thành chương trình Thạc sĩ, đạt mục tiêu đạt chứng chỉ 6.5 IELTS đồng thời học thêm về ngành Khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo – AI (Artificial Intelligence).

“Hiện nay, AI đang phát triển như vũ bão và đạt được những thành tựu không thể tin nổi, vượt xa sức mạnh trí tuệ của con người cũng như khoa học dữ liệu sẽ chi phối cuộc sống của chúng ta trong nhiều năm tới. Vì thế, mình muốn học về AI và Data Science để phát triển các hệ thống xử lý thông tin. Em tin đó là trend (xu hướng – PV) của tương lai…”, Nguyễn Thị Hằng Duy nói.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/

1291 lượt xem