Nam sinh Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Vô địch ‘Đấu sĩ Coder’

Thông báo chương trình: MISA TOUR 2019: TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ ẢO VR/AR ‘’INTO MISA SPACE – DECODE YOURSELF”
21/11/2019
Tổng Công ty Hạ tầng mạng tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực Công nghệ thông tin
25/11/2019

Với tư duy lập trình sắc bén, Nguyễn Hữu Kiên – sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – xuất sắc giành ngôi Vô địch của Đấu sĩ Coder trước sự thán phục của các thí sinh tham dự và Ban tổ chức.

Cuộc thi Đấu sĩ Coder với vòng loại Quần Chiến và vòng tranh giải nhất Săn Boss được đánh giá là gay cấn và thu hút nhiều thí sinh nhất trong Đấu trường công nghệ, diễn ra ngày 21/11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ FPT TechDay 2019.

Vòng Quần chiến thu hút hơn 300 người đăng ký tham dự, trong đó có 30 sinh viên đến từ Đại học FPT, chiếm khoảng 10% tổng số thí sinh. Vòng loại được chia làm 6 trận, chia đều vào hai buổi sáng, chiều.

Ngay từ sáng 21/11, nhiều sinh viên từ các trường đã tham dự Đấu sĩ Coder tại ngày hội FPT TechDay 2019 ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Cuộc thi bắt đầu lần lượt từ 8h và 13h30 vào các buổi sáng, chiều. Các thí sinh ban đầu khá bỡ ngỡ và còn ngại ngùng, tuy nhiên với sự hài hước của MC và sự trợ giúp nhiệt tình của các nhân viên hỗ trợ, người chơi dần tự nhiên hơn và thả lỏng bản thân trước giờ thi đấu.

Ngay khi cuộc thi bắt đầu, các thí sinh lập tức mở hệ thống, giải các bài toán do Ban tổ chức đưa ra. Cuộc thi diễn ra gay cấn ngay từ những phút đầu. ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH FPT có số lượng sinh viên tham dự nhiều nhất. Các trận được sắp xếp thi đấu lần lượt. Mỗi trận trong vòng loại sẽ có 3 bài toán cần giải quyết. Đề thi và bảng xếp hạng được công bố trực tiếp trên màn hình lớn ở khu vực đấu trường.

Đề thi ở vòng loại được đánh giá là vừa sức với hầu hết thí sinh tham dự. Đỗ Thị Dư (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Ba bài toán đặt ra không quá khó đối với em, đề bài ngắn gọn và dễ dàng phân tích. Tuy nhiên, tốc độ code của các bạn ở đây quá nhanh nên em không theo kịp”.

Ngay khi cuộc thi bắt đầu, các thí sinh lập tức tập trung thi đấu. Một số thí sinh nữ cũng tham gia cuộc thi.

Kết thúc 6 trận đấu, các thí sinh ghi danh vào danh sách bước vào vòng đấu quyết định là: Chu Tuấn Thông, Nguyễn Ngọc Dưỡng (ĐH FPT); Lê Vũ Quang, Minh Quân, Nguyễn Hữu Trung (ĐH Công nghệ Hà Nội); Nguyễn Hữu Kiên (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông).

Đặc biệt, Trung và Kiên là hai anh em sinh đôi đến từ Hải Dương. Trong khi Trung là thí sinh duy nhất của trận với điểm tuyệt đối là 320 điểm sau 4 phút vào lượt, thì cậu em Hữu Kiên cũng không thua kém. Kiên giành xếp hạng 1 của trận 5 chỉ sau 2 phút 37 giây với thành tích 300 điểm.

Thậm chí, các thí sinh dẫn đầu những lượt đấu trước cũng bất ngờ và không tin kết quả này. Chu Minh Thông (dẫn đầu trận 1) chia sẻ: “Kết quả này của Kiên quá “khủng bố” rồi. Chỉ tính thời gian đọc đề cũng mất khoảng 1 phút. Đây sẽ là đối thủ đáng gờm của vòng sau”.

Vòng Săn Boss bắt đầu vào lúc 15h15 với hình thức thi đấu đối kháng. Cụ thể, các thí sinh sẽ phải tranh tài với 3 boss là CBNV nhà F, thuộc 3 cấp độ được sắp xếp theo độ khó tăng dần. Để đi tiếp vào vòng trong, thí sinh cần đạt thứ hạng cao hơn so với boss.

Ngay sau level đầu tiên, 4 thí sinh là Chu Tuấn Thông, Nguyễn Ngọc Dững, Lê Vũ Quang và Minh Quân cùng rời khỏi cuộc đua. Đồng nghĩa, cấp độ 2 và 3 trở thành cuộc đối đầu giữa 2 anh em Trung, Kiên và boss. Đề thi bet 3 được đánh giá khó và dài hơn hẳn so với vòng loại trước đó.

Nguyễn Hữu Trung là thí sinh duy nhất đạt điểm tuyệt đối tại trận 3 của Quần Chiến, liên tục vượt qua 2 boss tại vòng quyết định.

Nguyễn Hữu Trung liên tục phải dừng code và cắn móng tay khi nhìn chăm chú vào đề bài. Lần đầu tiên trong cuộc thi, Trung phải dùng đến giấy bút ngoài để phân tích dữ liệu. Cậu em Hữu Kiên cũng phải “nhăn trán cau mày” trước đề thi và tốc độ code của boss.

Sau 30 phút căng não, Nguyễn Hữu Kiên bứt phá hoàn thành bài thi trước boss 3 phút với số điểm tuyệt đối là 500. Kém may mắn hơn, Trung gặp rắc rối khi sớm hoàn thành bài thi nhưng quá trình chạy code gặp vấn đề. “Em rất tiếc vì chỉ cần sớm chạy được mấy giây nữa là có thể thắng được boss. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để em rút kinh nghiệm và thực hiện code tốt hơn”, Nguyễn Hữu Trung tiếc nuối.

Vượt qua boss cấp 3, Hữu Kiên chính thức trở thành chủ nhân giải Nhất của cuộc thi Đấu sĩ Coder, nhận về giải thưởng trị giá 15 triệu đồng. Nam sinh Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khiêm tốn: “Em rất vui và hạnh phúc khi nhận được giải Nhất của cuộc thi. Những thí sinh khác đều rất giỏi, vì vậy em nghĩ mình thắng vì đã may mắn hơn các bạn”.

Nguyễn Hữu Kiên xuất sắc giành giải thưởng Săn Boss cấp 3 và giải Nhất cuộc thi Đấu sĩ Coder.

Anh Cao Văn Việt (GĐ Sản phẩm Codelearn) khẳng định chiến thắng của Nguyễn Hữu Kiên thuyết phục được cả BTC và các thí sinh tham dự. “Kiên và Trung là hai cái tên khá quen thuộc với Codelearn, được chúng tôi mời về vị trí test và ra đề bài cho học sinh. Các bạn ấy cũng từng tham gia nhiều cuộc thi trong và ngoài nước và đạt thứ hạng khá cao”.

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ FPT 2019, với 3 cuộc thi Đấu sĩ Coder, AI đào vàng và Bot đại chiến, Đấu trường công nghệ là hoạt động thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều bạn trẻ có đam mê CNTT nhất.

Là sự kiện công nghệ thường niên do FPT tổ chức từ năm 2013, mỗi kỳ TechDay đều có sự khác biệt và phát triển dần về quy mô. Năm 2019, nhà F triển khai diễn đàn mở đối với các diễn giả, cộng đồng công nghệ và doanh nghiệp bên ngoài.

TechDay 2019 có 46 khu vực triển lãm, cuộc thi Đấu trường công nghệ với tổng giá trị giải thưởng là 150 triệu đồng tiền mặt dành cho hơn 300 thí sinh tham dự. Cạnh đó, diễn đàn cũng gây ấn tượng với các điểm nhấn công nghệ: Xe tự hành trở thành “người vận chuyển” chính thức trong sự kiện; trợ lý tổng đài ảo đảm nhận ghi danh và xác nhận khách mời.

Hoàng Hương

Theo: https://chungta.vn

4175 lượt xem