Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đối với lĩnh vực giáo dục đại học

Sản phẩm của sinh viên PTIT lọt Top 10 cuộc thi “sáng tạo trẻ năm 2023” do Đại học Bách khoa tổ chức
07/10/2023
Mãn nhãn với đêm nhạc “Chào tân sinh viên PTIT 2023 – Break the shell”
07/10/2023

Sáng 6/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đối với lĩnh vực giáo dục đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hơn 100 đại diện lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học. PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện đổi mới căn bản công tác quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo dựa trên công nghệ số.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Báo cáo một số kết quả triển khai đổi mới giáo dục đại học theo Nghị quyết 29,  cho thấy, 10 năm qua, Giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học tăng mạnh về quy mô. Chất lượng đào tạo được nâng cao, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu học tập của người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước từng bước phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2013 – 2022, quy mô đào tạo đại học tăng trung bình 4,4%. Từ năm 2020 đến nay có chiều hướng tăng mạnh Hội nhập quốc tế về chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, kiểm định chất lượng, việc thực hiện khung trình độ quốc gia, ngôn ngữ giảng viên giảng dạy trong cơ sở đào tạo;

Nhiều chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế. Một số ngành, nhóm ngành của các cơ sở giáo dục đại học được hiển thị ở TOP 400, 500 và từ 600 đến 1000 của thế giới. Một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới như: Academic Ranking 9 for World Universities (ARWU), Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (URAP), THE Impact Rankings, Tạp chí U.S. News & World Report.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung đánh giá, phân tích kết quả đạt được trong quá trình triển khai từng năm, theo từng mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết.  Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã phân tích những nội dung đã được thể chế hóa tốt trong cơ chế, chính sách và những gì đã triển khai thực hiện, những khó khăn, “điểm nghẽn” trong cơ chế trên cơ sở đó để kịp thời tháo gỡ, khó khăn, bất cập.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ tại hội thảo.

Trao đổi về vấn đề đổi mới căn bản công tác quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo dựa trên công nghệ số, PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức triển, khai thực hiện. Theo đó, chuyển đổi số được triển khai nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người học. Các nền tảng số trong quản trị đại học nhằm liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu, tối ưu nguồn lực. Ngoài ra, cần thay đổi nhận thức của giảng viên, sinh viên ứng dụng công nghệ trong giảng dạy học tập. Đồng thời, thể chế hóa các quy định của nhà nước, đặc biệt của Bộ GD&ĐT lên môi trường số để quản trị. “Cùng với đó, cần hình thành hệ sinh thái số kết nối nhà trường, sinh viên doanh nghiệp và xã hội” PGS.TS Đặng Hoài Bắc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Việc phân tích, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 phải toàn diện, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tạo thành thể thống nhất. Theo Thứ trưởng, cần thiết có những kết luận, nghị quyết mới về giáo dục đại học. Làm sao để giáo dục đại học thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

5686 lượt xem