Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Lễ khánh thành Bia kỷ niệm thành lập Trường Bưu điện – Vô tuyến điện

Thông báo về việc thực hiện khai báo thông tin đối với Tân sinh viên khóa 2023 hệ đại học chính quy
08/09/2023
ĐĂNG KÝ KHÓA ĐÀO TẠO VỀ IoT TECHNOLOGY AND ITS APPLICATION IN SMART HOME
09/09/2023

Ngày 8/9/2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức Lễ khánh thành công trình Bia kỷ niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên khi thành lập Trường Bưu điện – Vô tuyến điện (tiền thân của Học viện) tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tham dự buổi Lễ có, GS.TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; ông Nguyễn Minh Hồng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam; ông Vũ Tuấn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, ông Dương Văn Thơm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên; ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên.

Về phía Học viện có: GS.TS Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện và đại diện các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện.

Bia kỷ niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên khi thành lập Trường Bưu điện – Vô tuyến điện được đặt tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Lúc này, ngành Bưu điện phải khẩn trương tăng cường đội ngũ cán bộ có kỹ thuật nghiệp vụ, phát triển mạng lưới thông tin đáp ứng yêu cầu tác chiến trên các chiến trường. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Trường Bưu điện – Vô tuyến điện. Tháng 9/1953, tại xã Cao Vân (nay là xã Phú Xuyên), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ngôi trường đầu tiên đào tạo cán bộ lĩnh vực thông tin, bưu điện đã ra đời.

Trải qua, 70 năm xây dựng và phát triển, sau nhiều lần đổi tên, chia tách, sáp nhập và thay đổi chức năng nhiệm vụ, quy mô đào tạo, đến nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là tổ chức Nghiên cứu – Đào tạo trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội và có 02 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 13 khoa đào tạo Đại học và Sau Đại học với quy mô trên 18.000 học viên, sinh viên với 5 ngành ở trình độ Tiến sỹ, 5 ngành ở trình độ Thạc sỹ, 15 ngành ở trình độ Đại học. Học viện có 01 Trung tâm đào tạo Quốc tế thực hiện đào tạo chất lượng cao và liên kết đào tạo với các trường nước ngoài; 2 Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thực hiện đào tạo nâng cao trình độ, bổ túc kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ cho các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước; có 03 Viện nghiên cứu khoa học là Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện Công nghệ thông tin & Truyền thông và Viện Kinh tế Bưu điện.

Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện khẳng định: “Trong 70 năm cùng các dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc, từ Xã Cao Vân, nay là xã Phú Xuyên – Huyện Đại từ – Tỉnh Thái Nguyên, Trường Bưu điện đã di chuyển, sơ tán  qua nhiều địa điểm khác nhau: Tuy Lộc, Cẩm Khê – Phú Thọ, Tiền Châu – Mê Linh- Vĩnh Phúc, và cuối cùng là Hà Đông, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Đi đến đâu, thầy và trò Học viện luôn được chính qyền và nhân dân các địa phương hết lòng yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ. Sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, thầy và trò trường Bưu điện, nay là Học viện luôn hướng về và dành những tình cảm đặc biệt cho các địa phương nơi trường đóng quân trước đây, mà đặc biệt là nơi đầu tiên, thầy và trò Nhà trường giảng dạy và học tập”. Thay mặt tập thể Lãnh đạo Học viện, Chủ tịch Hội đồng Học viện đã chân thành cảm ơn và tri ân sự sự hỗ trợ giúp sức của Lãnh đạo và bà con nhân dân tại địa phương – xã Phú Xuyên – Đại Từ – Thái Nguyên và gia đình Ông Nguyễn Văn Mạnh đã hiến 180m2 đất cho công trình bia Kỷ niệm Nơi đặt trụ sở đầu tiên của Trường Bưu điện – Vô tuyến điện.

GS.TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; đại diện các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Bưu điện phát biểu tại buổi Lễ

GS.TSKH Đỗ Trung Tá đại diện các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Bưu điện đã ôn lại kỷ niệm về trường, về thầy cô, bạn bè trong những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. GS.TSKH Đỗ Trung Tá khẳng định: “Trường Cán bộ Bưu điện, sau đó là trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc và bây giờ là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn luôn phát huy được truyền thống trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình. Hôm nay, việc đặt một bức bia kỷ niệm tại nơi trụ sở đầu tiên của trường Bưu điện – Vô tuyến điện tại xã Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên có rất nhiều ý nghĩa với cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện. Chúng tôi cũng rất cảm động và xin cám ơn tấm lòng của bà con và nhân dân địa phương, cũng như gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh đã hiến đất để làm khu vực dựng bia này”. GS.TSKH Đỗ Trung Tá cũng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều con em địa phương vào học tập tại Học viện, bởi đây là một trong những trường đứng đầu về công nghệ thông tin và chuyển đổi số và đang phấn đấu để trở thành trường đại học số đầu tiên của cả nước. Sự cố gắng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên để chúng ta có ngày hôm nay và chúng ta đặt nền móng góp phần đưa đất nước ta ngày càng phồn vinh hơn, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng phong phú hơn. Có thể khái quát kỳ vọng này thành một hình tượng cô động, đơn giản thông qua “4 chữ T”: T: Thông minh hóa mạng lưới; T: Tri thức hóa nguồn nhân lực; T: Toàn cầu hóa kinh doanh; T: Tiêu chuẩn hóa cuộc sống. Đây là vấn đề lớn mà thầy trò Học viện trong tương lai phấn đấu để đạt được.

Tại Lễ khánh thành, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã gửi lời cảm ơn gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Phú Xuyên, Đại Từ), đã hiến 180m2 đất để xây dựng công trình Bia kỷ niệm.

Nhân dịp này, Học viện cũng tặng 1 tivi thông minh cho địa phương; trao 30 triệu đồng dành tặng cho Quỹ Khuyến học xã Phú Xuyên.

5449 lượt xem