Viện CNTT&TT xây Cổng thông tin thực tế ảo quảng bá du lịch Nam Trà My

PTIT tuyển sinh 120 chỉ tiêu hệ kỹ sư chất lượng cao ngành CNTT năm 2018
28/07/2018
Tuyển sinh 2018: 2 cách xem kết quả xét tuyển đại học chính quy đợt 1 vào PTIT
02/08/2018

Với Cổng thông tin thực tế ảo du lịch vùng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) do Viện CNTT&TT thuộc PTIT xây dựng dựa trên công nghệ VR photo, du khách có thể khám phá trực quan về khu du lịch như đang đứng ở không gian đó.

2

Cổng thông tin thực tế ảo cung cấp cho người xem toàn bộ hình ảnh khu khu du lịch Sâm Ngọc Linh dưới hai dạng chính là ảnh ảo trên cao và ảnh ảo dưới mặt đất.

UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vừa chính thức khai trương Cổng thông tin thực tế ảo du lịch vùng sâm Ngọc Linh nhằm quảng bá và phát triển du lịch Nam Trà My, biến nó thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững cho địa phương. Huyện miền núi Nam Trà My được biết đến là thủ phủ của sâm Ngọc Linh.

Thông tin từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cho hay, Cổng thông tin thực tế ảo du lịch vùng sâm Ngọc Linh này do Viện CNTT&TT – Viện CDIT trực thuộc Học viện xây dựng dựa trên công nghệ ảnh 360 độ hay còn gọi là VR photo (Virtual Reality Photo).

Cổng thông tin thực tế ảo cung cấp cho người xem toàn bộ hình ảnh khu khu du lịch Sâm Ngọc Linh dưới hai dạng chính là ảnh ảo trên cao và ảnh ảo dưới mặt đất. Trong đó, ảnh ảo trên cao được thực hiện bằng máy bay không người lái cho phép người xem có cái nhìn toàn cảnh về mỗi địa điểm trong vùng du lịch này. Còn ảnh ảo dưới mặt đất ghi lại chi tiết cảnh vật xung quanh dưới góc nhìn tương tự người trực tiếp tham quan. “Du khách sẽ được khám phá trực quan về khu du lịch như đang đứng ở tại không gian đó và hoàn toàn có thể quan sát xung quanh 360 độ ở bất kỳ góc nhìn nào”, đại diện Viện CDIT cho biết.

Cũng theo CDIT, dựa trên công nghệ web 360 và scanning 3D, Cổng thông tin thực tế ảo du lịch vùng sâm Ngọc Linh còn cung cấp các thông tin về sản phẩm sâm Ngọc Linh, các loại sản vật và địa điểm du lịch của Nam Trà My đã được số hóa thành các hình ảnh, video, mô hình 3D được giới thiệu bằng âm thanh và văn bản kèm theo cho từng nội dung.

 Ngoài ra, để kiểm tra sản phẩm dược liệu của huyện Nam Trà My, người mua sẽ chỉ cần quét mã vạch sẽ biết được nguồn gốc xuất xứ cũng như cách sử dụng sản phẩm. Không những thế, nếu khách hàng có nhu cầu, hoàn toàn có thể in 3D một củ sâm Ngọc Linh để làm quà lưu niệm.

Ứng dụng được chạy trên nền tảng web và du khách có thể xem trên bất kỳ thiết bị di động, nào như máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân.

Người dùng có thể trải nghiệm ứng dụng thực tế ảo du lịch vùng sâm Ngọc Linh tại website của huyện Nam Trà My, trong mục “Du lịch vùng sâm” theo đường link http://namtramy.gov.vn/web360/NamTraMy.html.

Với nhận thức thực tế ảo – VR là một trong những công nghệ hiện đại, mang tính đột phá và thuộc trọng tâm phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, Viện CDIT đã triển khai một số dự án để góp phần đưa công nghệ này vào ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống. Đơn cử như, trong đào tạo y khoa, Viện đã phát triển “Hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo” nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo cho Bệnh viên Nhi Trung ương. Hay sản phẩm bảo tàng ảo “Biển đảo Việt Nam” được Viện CDIT triển khai xây dựng từ năm 2014 theo yêu cầu của Bộ TT&TT nhằm số hóa các tự liệu của triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước từ năm 2013; đến năm 2016, sản phẩm bảo tàng ảo “Biển đảo Việt Nam” đã được Viện CDIT hiệu chỉnh, nâng cấp thành Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Vân Anh

Nguồn:ictnews.vn

1326 lượt xem