Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Khi chưa nhận bằng tốt nghiệp, Nguyễn Tất Hậu-Thủ khoa đầu tiên ngành An toàn thông tin PTIT đã được Trung tâm An ninh mạng Viettel tuyển dụng. Từng có thời bỏ học để “cày game” nhưng tình thương của bố mẹ và nỗ lực bản thân đã giúp Hậu có được thành công bước đầu.
Mới đây, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT đã tổ chức lễ tổng kết và trao bằng cho gần 700 kỹ sư hệ đại học chính quy khóa 2013-2018 (khóa D13) của 5 ngành đào tạo thuộc khối các ngành kỹ thuật, trong đó có 63 kỹ sư ngành An toàn thông tin. An toàn thông tin là ngành được Học viện được Bộ GD&ĐT cấp phép tháng 3/2013 và cũng trong năm đó nhà trường đã chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên. 63 sinh viên khóa D13 ngành An toàn thông tin chính là những sản phẩm đầu tiên của Học viện đối với ngành đào tạo này và Nguyễn Tất Hậu là Thủ khoa đầu tiên ngành An toàn thông tin của PTIT.
Sinh năm 1992 ở “đất học” Nghệ An, khi các bạn đồng trang lứa đã yên ổn dưới mái trường đại học, chuẩn bị ra trường thì Nguyễn Tất Hậu mới bắt đầu học lớp 10. Nhớ lại thời học năm cuối bậc phổ thông cơ sở, Nguyễn Văn Hậu kể, khi vừa học hết lớp 9, vì nghiện chơi game online nên Hậu đã bỏ học 3 năm liền, theo chân bạn bè lang thang qua các cửa hàng game. Và từng có thời điểm, cậu học trò này “cắm rễ” ở quán Internet để cày game mấy ngày liền không về nhà…
“Nhiều đêm nằm nghe tiếng trở mình của mẹ, tiếng thở dài của cha, em biết bố mẹ trăn trở về tương lai của em nhiều lắm. Sau 3 năm phụ hồ và làm nhiều công việc khác, cảm nhận được tình thương của bố mẹ và mong muốn suốt 3 năm của mẹ là “con quay lại đi học”, em đã quyết định xin bố mẹ cho được trở lại trường”, Nguyễn Tất Hậu hồi tưởng lại.
Do đã bỏ học liền 3 năm, Nguyễn Tất Hậu chọn xin vào học ở một trường dân lập ở quê. Ngày ngày đến trường nhưng khi đó theo Hậu tâm sự thì cậu vẫn còn rất mông lung, chưa biết định hướng tương lai sau này của mình sẽ như thế nào. “Ngày ấy, mình chỉ nhận ra một điều, nếu chỉ học trên lớp, học ở trường thì mình sẽ không thể thi đỗ đại học được”, Hậu nói.
Không có điều kiện đến các lớp luyện thi, Nguyễn Tất Hậu đã quyết tâm tự học. Với ý chí, khát vọng tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và mong muốn có thể trở thành niềm tự hào của bố mẹ, năm cuối THPT, thay vì đam mê “cày” game, Nguyễn Tất Hậu đã dốc sức học, quyết tâm “cày” Toán, Lý, Hóa để có thể bước chân vào giảng đường đại học, đặt “viên gạch” đầu tiên cho công việc, sự nghiệp của mình trong tương lai.
Đến Thủ khoa đầu ra ngành An toàn thông tin của PTIT
Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2013, Nguyễn Tất Hậu đã chọn đăng ký thi ngành An toàn thông tin – một ngành mới mở khi đó của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Những nỗ lực bền bỉ của Nguyễn Tất Hậu đã được đền đáp xứng đáng khi nhận được giấy báo trúng tuyển ngành An toàn thông tin của Học viện.
Trúng tuyển đại học nhưng làm thế nào để có tiền đi học cũng là một vấn đề với Nguyễn Tất Hậu và gia đình. Hậu kể, để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt tại Học viện, từ năm thứ nhất, bố mẹ Hậu đã phải làm thủ tục vay tiền ngân hàng để cậu có thể thuê nhà ở và đóng tiền học. Hậu đã tự tìm thuê nhà có nhiều phòng và cho thuê lại các phòng ở còn trống để có kinh phí học tập và trang trải cuộc sống hàng ngày.
Trải qua năm thứ nhất, thứ hai, cậu sinh viên ngành An toàn thông tin của Học viện – Nguyễn Tất Hậu đã ngày càng hứng thú, đam mê với ngành học hơn, trở thành sinh viên xuất sắc liên tiếp trong các kỳ học, giành được học bổng sinh viên xuất sắc ngành An toàn thông tin của Bộ trưởng Bộ TT&TT; học bổng sinh viên triển vọng ngành An toàn thông tin của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.
Nguyễn Tất Hậu tại lễ kết nạp Đảng viên được tổ chức tháng 4 vừa qua, ngay trước khi Hậu nhận bằng tốt nghiệp đại học (Ảnh: Đình Dũng). |
Nguyễn Tất Hậu chia sẻ, thành công bước đầu của em được vun đắp từ nhiều yếu tố, mà đa phần đều đến từ việc chọn được môi trường học tập phù hợp, sự nỗ lực vươn lên và ý chí vươn lên. Cũng giống như những sinh viên năm thứ nhất khác, Hậu cũng bỡ ngỡ với những kiến thức mới mẻ và cách học tập ở môi trường đại học.Vì vậy, ngay từ năm học đầu tiên Hậu đã không lãng phí thời gian, lựa chọn ngay cho mình một phương pháp học tập riêng, trong đó theo Hậu việc xây dựng khung thời gian học tập và mục tiêu cho từng môn học là việc quan trọng nhất. “Điều quan trọng nữa là tinh thần học tập, mạnh dạn hỏi bạn bè, thầy cô khi gặp vướng mắc hoặc gặp những vấn đề mình thực sự chưa hiểu”, Hậu bộc bạch.
Ngoài những môn chuyên ngành, Hậu cũng không quên chú trọng đến việc rèn luyện, trau dồi những kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, thuyết trình, lập kế hoạch, giao tiếp mà Học viện trang bị cho các sinh viên qua những môn học. “Đây là những nền tảng rất cơ bản để sinh viên chúng em tự tin tìm việc làm phù hợp với khả năng của bản thân”, Nguyễn Tất Hậu nói.
Được vào thực tập và tiếp đó trở thành nhân viên an ninh viễn thông và thiết bị của Trung tâm An ninh mạng Viettel – Tập đoàn Viettel khi còn chưa nhận bằng tốt nghiệp, Thủ khoa đầu tiên của ngành An toàn thông tin PTIT chia sẻ: “Trung tâm An ninh mạng Viettel là một môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, thoải mái, trẻ trung, đồng nghiệp thân thiện, dễ học hỏi kinh nghiệm. Đây thực sự là cơ hội tốt để em trau dồi kỹ năng và rèn luyện chuyên môn. Và quan trọng nhất là môi trường làm việc tại Trung tâm đã giúp em phát huy được khả năng của bản thân”.
Ngay trước ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học, sinh viên khóa đầu tiên ngành An toàn thông tin của Học viện – Nguyễn Tất Hậu đã được kết nạp vào Đảng. Chia sẻ trong lễ kết nạp Đảng diễn ra tháng 4 vừa qua, Hậu cho biết: “Trở thành Đảng viên khi còn là sinh viên có lẽ là điều trước đây em chưa bao giờ nghĩ đến. Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn, giúp em có thêm niềm tin và vững bước hơn trên con đường em đã chọn vìchặng đường phía trước còn rất dài”.
Nói về những dự định của mình trong thời gian tới, Nguyễn Tất Hậu chia sẻ, làm việc trong một lĩnh vực mà công nghệ phát triển rất nhanh chóng, trong thời gian tới, bên cạnh đi làm, Hậu dự định sẽ tiếp tục nâng cao trình độ và năng lực học vấn cho bản thân, đáp ứng được yêu cầu nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
1976 lượt xem