Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Vừa qua, tại cơ sở đào tạo Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức Hội thảo “Latest trends and future challenges of semiconductor technologies”, với sự tham gia của hai diễn giả là GS.TS. Hirohito Yamada và PGS.TS. Anh Igarashi đến từ trường Đại học Tohoku – trường Đại học hàng đầu Nhật Bản. Tham dự Hội thảo có các thầy cô giáo và gần 400 sinh viên Học viện.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng khoa, Phụ trách khoa Kỹ thuật Điện tử 1 nhấn mạnh: “Với phương châm lấy người học làm trung tâm” cùng với việc cung cấp môi trường học tập, làm việc thú vị (từ chương trình đào tạo, công cụ thí nghiệm thực hành, các chương trình thực tập tại doanh nghiệp, học bổng học tập, trao đổi tại nước ngoài, thì việc tổ chức các hoạt động tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia nổi tiếng, đến từ các Đại học hàng đầu thế giới có thể giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, hun đúc đam mê, tạo động lực học tập mạnh mẽ để trau dồi kiến thức, tích lũy kỹ năng để mỗi ngày tiến bộ hơn và trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Có thể nói, Hội thảo “Latest trends and future challenges of semiconductor technologies” sẽ đem đến cho các sinh viên không chỉ kiến thức đi đầu trong lĩnh vực ngành bán dẫn, mà cả những thông tin cơ hội, hành trang cho những sinh viên mong muốn được học tập tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển bậc nhất thế giới.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ và cùng trao đổi, thảo luận với các giảng viên, sinh viên Học viện về các quy trình bán dẫn tiên tiến trong chế tạo thiết bị. Ngoài ra, các diễn giả còn chia sẻ thêm thông tin hoạt động của các thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp.
Chia sẻ tại Hội thảo GS. Hirohito Yamada, khẳng định: “Nhu cầu về chất bán dẫn dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai và các loại chất bán dẫn cần thiết dự kiến sẽ trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Các thiết bị bán dẫn và chip tích hợp của chúng sẽ tiếp tục cần thiết trong tương lai, từ IC logic silicon tiên tiến đến GPU hiệu suất cao xử lý các mô hình ngôn ngữ quy mô lớn cho AI, mạch tích hợp Si như cảm biến hình ảnh CMOS, SiC hoặc GaN các thiết bị bán dẫn điện để hỗ trợ xe điện và sản xuất năng lượng tái tạo cũng như các chất bán dẫn phức hợp như GaAs hoặc InP để sử dụng cho các thiết bị quang tử như laser bán dẫn, đèn LED và điốt quang”. GS. Hirohito Yamada cũng nhấn mạnh thêm với các em sinh viên: “Để hiểu hoạt động của các thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp cũng như tiến hành nghiên cứu và phát triển, điều quan trọng là vật lý điện tử trạng thái rắn, kỹ thuật bán dẫn, cơ học lượng tử, cơ học thống kê, v.v. Vì vậy, hãy tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu kỹ về kỹ thuật bán dẫn từ những thứ cơ bản”. Giáo sư cũng đưa ra những so sánh về kiến thức cần trang bị trong giai đoạn hiện nay so với những năm 1980 và nhấn mạnh những kiến thức cần chuẩn bị.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Anh Igarashi đã chia sẻ những hướng nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới hiện nay, đồng thời là kết quả nghiên cứu, hướng nhiên cứu cá nhân. Những nghiên cứu liên quan đến cảm biến bán dẫn ứng dụng trong y học, sinh học và cuộc sống thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy cô và sinh viên Học viện.
Hội thảo đã mang đến những thông tin hữu ích cho sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử của Học viện, góp phần đào tạo những kỹ sư chất lượng cao lĩnh vực bán dẫn trong tương lai của Việt Nam.
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Anh – Phó giám đốc Học viện đã gặp mặt, cảm ơn hai diễn giả đã mang tới cho Học viện nói chung, sinh viên Học viện nói riêng những định hướng chất lượng, những kiến thức mới và sâu sắc.
6230 lượt xem