Đại học số đầu tiên tại Việt Nam: Quốc gia số thu nhỏ

[FPT SOFTWARE – HN] TUYỂN GẤP 30 FRESHER TALENT ANDROID
21/01/2021
Chương trình cử nhân Công nghệ thông tin của Đại học La Trobe, Úc
22/01/2021

Sắp tới, khoảng hơn 15.000 sinh viên, học viên và gần 1.000 cán bộ, giảng viên bước qua cổng vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ có thể thực hiện mọi hoạt động trong trường thông qua smartphone, iPad. Mỗi người có một mã định danh để kết nối với nền tảng chung của Học viện.

Càng những ngày cuối năm 2020, “làn sóng” chuyển đổi số càng diễn ra mạnh mẽ ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Bên cạnh những sản phẩm đã được thương mại hóa trong lĩnh vực đào tạo và quản lý từ nhiều năm trước, một số sản phẩm mới tiếp tục được hoàn thiện như hệ thống điều hành trung tâm, hệ thống giám sát lớp học, hệ thống giám sát an ninh, lớp học thông minh, ứng dụng kết nối cho giảng viên-sinh viên qua smartphone,… Đồng thời, Học viện cũng tiếp tục thay đổi phương thức, áp dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; tiếp tục mở rộng các ngành học mới lai ghép ICT.

“Chúng tôi đang tập trung nỗ lực, quyết tâm chuyển đổi số trong toàn Học viện, phấn đấu nhanh chóng trở thành đại học số đầu tiên tại Việt Nam, nơi được coi là một quốc gia số thu nhỏ, qua đó góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước”. PGS.TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Xây dựng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thành đại học số đầu tiên tại Việt Nam cũng chính là kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ đang gánh trọng trách dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Tại tọa đàm hồi trung tuần tháng 9/2020 với cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số Học viện thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một quốc gia số thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số”.

Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, môi trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có rất nhiều người trẻ, năng động, sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới, nên rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số thu nhỏ. “Quý 3/2020 và quý 1/2021 sẽ

là thời gian để Học viện hợp tác với công ty công nghệ số để xây lên một đại học số. Hãy là người đi đầu!”, Bộ trưởng chốt luôn thời hạn cụ thể với Học viện.

Chỉ có vỏn vẹn khoảng nửa năm để hiện thực hóa mục tiêu, kỳ vọng lớn, lại chưa từng có tiền lệ về mô hình đại học số, Học viện buộc phải gấp rút vừa nghiên cứu, học hỏi, vừa triển khai và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

“Bộ trưởng ví Học viện như một quốc gia số thu nhỏ là rất chính xác vì môi trường của Học viện là môi trường đại học có tính lan tỏa xã hội lớn, tính linh hoạt, đa dạng, mang nhiều màu sắc văn hóa truyền thống đặc thù của các vùng miền, dân tộc đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, có cả người ít tuổi và người nhiều tuổi, người học rất cao và người vừa mới vào nhập học, lại có cả tính liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế… Với quyết tâm thực hiện chuyển đổi số thành công, chúng tôi đã tìm hiểu kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhưng thực sự thì mới chỉ có thể tham khảo những ứng dụng đơn lẻ. Chưa có mô hình đại học số nào để chúng tôi học hỏi”, Giám đốc Vũ Văn San chia sẻ.

Về lý thuyết, trong một trường đại học số, mọi con người và thiết bị đều có hiện diện số, tương tác số để thông minh hóa và tối ưu hóa các hoạt động. “Với mã định danh, sinh viên có thể kết nối với app (ứng dụng) hoặc nền tảng chung của trường để giải quyết các vấn đề ngoài việc học như thanh toán học phí, mua bán hàng, gửi xe… Qua đó có thể giảm bớt thời gian, căng thẳng không đáng có, tập trung được nhiều năng lượng hơn cho việc học tập”, TS. Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDIT), đơn vị trực thuộc Học viện, nêu ví dụ.

Cũng trong trường đại học số, với các công nghệ 4.0, sinh viên có thể sử dụng các bảng tương tác thông minh, sử dụng học liệu số, quản trị học tập số để học từ xa, có những trải nghiệm cá nhân hóa… để gia tăng hiệu quả học tập. Còn về phía giảng viên, công nghệ sẽ giúp giảm thời gian đứng giảng trực tiếp, nắm bắt sát sao kết quả học tập của sinh viên để kịp thời cung cấp kiến thức còn thiếu cho sinh viên… Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những công nghệ này đều dễ triển khai và chi phí thấp. Vấn đề mấu chốt là sự quyết tâm triển khai của chính các trường đại học.

Mốc thời hạn cuối quý 1/2021 đã đến rất gần. Và diện mạo của một đại học số cũng bắt đầu được hình thành tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Có

thể nói, Học viện đang nỗ lực, quyết tâm để giữa năm 2021 sẽ là Trường ĐH đầu tiên của Việt Nam có hệ sinh thái số kết nối giữa Nhà trường, Sinh viên và Xã hội để hình thành quốc gia số thu nhỏ, góp phần đào tạo những công dân số tiên phong góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược CĐS quốc gia.

“Sắp tới, khoảng 15.000 sinh viên, học viên và gần 1.000 cán bộ, giảng viên khi bước qua cổng vào Học viện sẽ check in bằng mã định danh cá nhân. Mỗi người được cấp 1 mã định danh riêng. Mọi sinh hoạt trong trường đều có thể được thực hiện thông qua smartphone hoặc iPad…”, Giám đốc Vũ Văn San hào hứng cho biết.

Hiện tại, sinh viên Học viện đã có thể sử dụng mã định danh điện tử để kiểm tra xem hôm nay mình học lớp nào, phòng nào, học môn gì, giảng viên là ai; thực hiện đăng ký môn học, đăng ký thi lại,… Và trong thời gian tới sẽ là việc giảng viên, sinh viên thực hiện các thủ tục, các dịch vụ cho việc giảng dạy và học tập trực tuyến,.. Sinh viên cũng có thể dùng mã định danh của mình để mượn sách, hoặc để kiểm tra xem mình đã đóng học phí chưa; buổi trưa nhà ăn có những món gì, giá bao nhiêu, buổi tối nhà ăn Học viện phục vụ những gì trước khi học ca tối, có thể đặt trước và thanh toán online,…

Tất cả hoạt động kết nối giao dịch sẽ được triển khai trên một nền tảng chung có tính mở để liên tục được cập nhật, hoàn thiện hơn.

“Không chỉ dừng ở mục tiêu trở thành một quốc gia số thu nhỏ, hình mẫu cho các trường đại học về chuyển đổi số tại Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ là hình mẫu tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia; năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 5 trường đại học hàng đầu về công nghệ số trong khu vực Đông Nam Á”, Giám đốc Vũ Văn San tự tin bày tỏ những mục tiêu khá tham vọng trong tương lai không xa.

“Cần xác định rõ sự khác biệt giữa đại học số và đại học ứng dụng CNTT. Đại học số không chỉ là đơn thuần ứng dụng CNTT vào công tác dạy và học, đưa các bài giảng lên trực tuyến. Quan trọng hơn, đại học số phải có khả năng cá thể hóa việc học tập, sinh viên để lại các dấu chân điện tử trên các nền tảng học tập, học liệu số, từ đó nhà trường và giáo viên tìm ra cách thức truyền đạt kiến thức, kỹ năng phù hợp nhất cho sinh viên ấy”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng lưu ý tại buổi làm việc về chuyển đổi số với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cuối tháng 12/2020.

Bình Minh

Theo: Báo Bưu điện Việt Nan

3353 lượt xem