Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bổ nhiệm thêm 01 Phó Giám đốc
22/08/2024

Sáng 24/8/2024, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Trưởng đoàn đã làm việc tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tham dự buổi làm việc còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Nguyễn Phương Tuấn, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Tạ Đình Thi; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải và Nguyễn Thị Kim Anh;

Đón tiếp đoàn công tác, về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, có Chủ tịch Hội đồng Học viện Từ Minh Phương; Giám đốc Đặng Hoài Bắc và trưởng các khoa đào tạo, các Viện nghiên cứu trực thuộc Học viện tại cả 2 đầu cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, cuộc làm việc nhằm làm rõ những chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số; việc kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp công nghệ số; việc chuyển đổi từ giai đoạn gia công, lắp ráp sang giai đoạn chế biến, chế tạo; phân biệt giữa công nghệ số và công nghệ thông tin…

Chủ tịch Hội đồng Học viện Từ Minh Phương phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện khẳng định, Học viện là đơn vị đào tạo chủ lực của ngành Thông tin và Truyền thông, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội, khi xã hội có sự chuyển dịch về nhu cầu nguồn nhân lực, các đơn vị đào tạo trong đó có Học viện cũng chuyển dịch theo. Học viện có lợi thế là đơn vị xuất phát từ doanh nghiệp và định hướng phát triển ngay từ khi thành lập là đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực khoa học công nghệ. Chính vì vậy, việc ngành công nghiệp công nghệ số phát triển là cơ hội để Học viện phát triển đào tạo đáp ứng như cầu xã hội và doanh nghiệp. Về mặt công nghệ, những kết quả nghiên cứu được Học viện sẽ chuyển giao để hỗ trợ góp phần đưa ngành công nghiệp công nghệ số phát triển. Chủ tịch Hội đồng Học viện cũng bày tỏ mong muốn: “Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi với các đơn vị đào tạo cũng như cần có dự kiến quy hoạch nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số để các cơ sở đào tạo có căn cứ cấu trúc lại các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Học viện cũng khẳng định: Học viện sẵn sàng đồng hành cùng với các đồng chí trong Ban soạn thảo, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng Luật này và cũng kỳ vọng sau khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được ban hành sẽ giúp ngành công nghiệp công nghệ số phát triển, việc tăng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này sẽ thuận lợi hơn và kết quả cuối cùng là đem lại sự giàu mạnh cho đất nước

Giám đốc Học viện Đặng Hoài Bắc, báo cáo về hoạt động đào tạo  nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông của Học viện

Theo báo cáo đoàn công tác của Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Đặng Hoài Bắc, Học viện hiện là một trong các trường đại học hàng đầu cả nước đào tạo về nhân lực số trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Điện tử, Viễn thông, Đa phương tiện… Đặc biệt, Học viện đang đào tạo 2 lĩnh vực trọng điểm là Trí tuệ nhân tạo (AI) và Công nghệ chip bán dẫn.

Học viện luôn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công nghệ thông tin, công nghệ số trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế. Là đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ trong việc tiếp cận các nguồn lực trong và ngoài nước cũng như triển khai thuận lợi các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ, dự án, chương trình hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh việc ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số là rất cần thiết và cấp bách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc khuyến khích, hỗ trợ và phát triển các công nghệ mới như AI, Chip bán dẫn,…

Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn công tác đã chia sẻ thông tin liên quan đến quan điểm, mục tiêu cũng như lắng nghe các ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học của Học viện về các vấn đề liên quan đến Luật Công nghiệp Công nghệ số. Khẳng định các ý kiến tại cuộc làm việc rất thiết thực và bổ ích, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Học viện tiếp tục đóng góp ý kiến với Ủy ban trong quá trình nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: sự cần thiết ban hành Luật; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; các cơ chế, chính sách chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đặc thù đúng, trúng, đủ mạnh và công bằng để thúc đẩy chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, phát triển và làm chủ công nghệ số…

111 lượt xem