Ngành Xuất bản cần xóa “vùng trắng”, “vùng trũng” về văn hóa đọc

4
Họp Ban Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022
21/03/2022
20220324-pg2
Thương mại điện tử Việt Nam: Triển vọng phát triển và chiến lược để “lên sàn” thành công
25/03/2022
Show all
20220324-l1
(Mic.gov.vn) – Năm 2021 là một năm ngành Xuất bản có nhiều đột phá, toàn Ngành đã nỗ lực vượt bậc để vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, ngành Xuất bản đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào xuất bản điện tử, chuyển đổi số nhằm phát triển sản xuất cũng như kinh doanh. Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 vừa diễn ra ngày 23/3, tại TP.Hồ Chí Minh.

Cần xóa “vùng trắng” về văn hóa đọc

Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm chia sẻ: Năm 2021 – một năm đầy những khó khăn và thách thức đối với hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm; qua đó, càng khắc họa đậm nét những nỗ lực vượt bậc đầy tâm huyết, trách nhiệm của những người làm xuất bản; đề xuất nhiều giải pháp mới và sáng kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của toàn Ngành.

20220324-l2

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm và Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn trao Cờ thi đua của Bộ TT&TT cho các đơn vị.

Trong năm 2022, những người làm công tác xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời phải giải quyết những vấn đề chiến lược của Ngành, góp phần khẳng định xuất bản là lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân để thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành Sách Việt Nam, ông Trần Thanh Lâm đề nghị.

Đồng thời, ngành Xuất bản tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản; Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất bản; đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu chỉ đạo, quản lý và thực tiễn phát triển xuất bản.

Các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản (NXB) thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2022, nâng cao năng lực hoạt động của các NXB, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Đặc biệt, tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, xóa “vùng trắng” về văn hóa đọc. Việc triển khai mô hình phố sách cần sớm tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy mặt tích cực, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, làm cho các Phố sách, Đường sách thực sự là thiết chế văn hóa quan trọng của mỗi địa phương. Cần quan tâm thích đáng đến mạng lưới phát hành sách ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền.

Song song với đó, để thích ứng linh hoạt sau đại dịch COVID-19, cần tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng chống dịch, bảo đảm hài hòa chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng chống dịch COVD-19 với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xuất bản

Nhìn lại hoạt động của ngành Xuất bản năm 2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhận định đây là một năm ngành Xuất bản có nhiều đột phá. Tuy gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, song nhiều nhà xuất bản vẫn có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, nhiệm vụ chính trị được hoàn thành, tiềm lực của các nhà xuất bản, nhất là tiềm lực về công nghệ được tăng cường qua đó từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản; các hoạt động quảng bá, tôn vinh sách và người làm sách được đẩy mạnh đưa văn hóa đọc phát triển thêm một bước. Đây cũng là năm chúng ta có sách điện tử, bởi các đơn vị xuất bản, phát hành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để phát triển sản xuất cũng như kinh doanh. Đây là những đột phá, thay đổi rất lớn của Ngành.

20220324-l1

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

“Những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Xuất bản đã góp phần quan trọng trong việc duy trì nhịp độ phát triển, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tổ chức xuất bản nhiều sách chất lượng, giá trị, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, đáp ứng tương đối tốt nhu cầu của bạn đọc”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng chia sẻ, trong năm 2021 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực xuất bản và phát triển văn hóa đọc như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trong đó có Dự án thành phần Truyền thông và giảm nghèo về thông tinChương trình đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2026Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022-2026; ban hành Quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam… Đây là những chính sách quan trọng tạo động lực và nguồn lực thiết thực; là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành cũng như đối với từng đơn vị, doanh nghiệp và cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2021 – 2025) cho ngành Xuất bản với những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được cụ thể hóa theo lộ trình. Năm 2022, ngành Xuất bản sẽ tập trung những nhiệm vụ như nâng cao văn hóa đọc để phát triển nâng cao tri thức.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn lưu ý, bên cạnh việc bán sách giấy cần phải xây dựng nền tảng dữ liệu để người đọc có thể truy cập, đặc biệt là phải quan tâm phát triển ở khu vực thôn bản – những vùng “trũng” về văn hóa đọc, quan tâm đến dịch giả, tác giả… để có những cuốn sách hay. Theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu 85% dân số có smarrphone và Internet, ngành Xuất bản cần phải tận dụng điều này để phát triển thị trường.

Đồng thời, tập trung phát triển chất lượng sản phẩm, làm thế nào để chúng ta có những cuốn sách vừa có giá trị cao lâu dài, vừa có giá trị thương mại. Cần phải đổi mới phong phú các loại hình sách, mảng sách…Đặc biệt, tập trung chuyển đổi số trong ngành Xuất bản, hiện Bộ TT&TT đang xây dựng nền tảng dùng chung cho các NXB; Bộ TT&TT cũng có định hướng một số nền tảng cho các NXB để bố trí nguồn lực đầu tư.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá sách, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; nâng cao vị thế và uy tín của Giải thưởng Sách Quốc gia, tạo sự lan tỏa rộng rãi những giá trị của các cuốn sách đạt Giải; đẩy mạnh các hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm sách phù hợp với quy mô và đặc điểm của các địa phương, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình Đường Sách, Phố Sách; hình thành các mô hình, không gian văn hóa đọc cộng đồng hiện đại, thân thiện có sức thu hút mạnh mẽ các đối tượng độc giả.

Chú ý đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực để đảm bảo điều kiện hoạt động và phát triển xuất bản điện tử, bắt kịp xu hướng phát triển của nền xuất bản trên thế giới. Các cơ quan chủ quản cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nền tảng công nghệ điện tử cho các NXB, đồng thời tạo cơ chế và không gian hợp tác giữa nhà xuất bản với doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp phát hành hình thành chuỗi kết nối giá trị đưa xuất bản phẩm đến với đông đảo bạn đọc.

Mặt khác, cần tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung phát triển nguồn lực của ngành Xuất bản như: các biên tập viên, biên dịch, dịch giả, nhà văn… để tạo nên những cuốn sách hay có giá trị cao sau này.

 

Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 xuất bản phẩm với số lượng 400.610.118 bản. 

Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 29.274 cuốn với 350.000.000; Xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 xuất bản phẩm (với ước tính khoảng 25 triệu bản). 

Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại…) đạt 1.374 xuất bản phẩm với 25.610.118 bản.

Tổng doanh thu toàn ngành năm 2021 đạt 2.996,667 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước 260,732 tỷ đồng; Lợi nhuận (sau thuế) đạt 384,243 tỷ đồng. 

Về phát hành, toàn ngành phát hành trên 225 triệu xuất bản phẩm; doanh thu đạt 2.900 tỉ đồng.

Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành đạt 300.000 bản; số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 20,8 triệu bản.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm đạt 15 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu 1,3 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,7 triệu.

 

Xuân Lộc

Từ khóa: Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, ngành Xuất bản, cần xóa “vùng trắng”, “vùng trũng” về văn hóa đọc, chuyển đổi số