Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sử dụng giải pháp triển lãm số để tuyên truyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Công ty cổ phần GROOO INTERNATIONAL tuyển dụng nhân sự tháng 11/2016
07/11/2016
Khai mạc Hội thảo tập huấn triển khai dự án Voyage
07/11/2016

Ngày 4/11/2016 tại Hà Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Tại đây, giải pháp triển lãm số trên nền công nghệ thực tại ảo 3D của Vện Công nghệ Thông tin và Truyền thông- CDIT (đơn vị trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên được sử dụng để giới thiệu các bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

hoi-thao

Trong triển lãm số, các tư liệu (bản đồ, tư liệu văn bản và hiện vật) truyền thống, đặc biệt là các hiện vật, sẽ được số hóa dưới dạng mô hình 3D (bia chủ quyền, tượng đài Hải đội Hoàng Sa, tàu hải đội Hoàng Sa,…). Mỗi tư liệu sẽ có nội dung thuyết minh riêng phục vụ mục đích tự tham quan tra cứu của công chúng. Ngoài ra, lời giới thiệu của thuyết minh viên cũng sẽ được tích hợp thành kịch bản trình diễn tự động cho phép triển khai triển lãm số tại bất kỳ thời điểm nào không phụ thuộc vào hoạt động thuyết minh.

Triển lãm số còn tích hợp thêm phần sa bàn số 3D về hệ thống các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho phép công chúng tương tác trực tiếp để tìm hiểu thông tin chi tiết về từng đảo trong hai quần đảo này.

Tại triển lãm, với giải pháp triển lãm số, khách thăm quan đã thực sự bị cuốn hút bởi các trải nghiệm số mới lạ, thú vị và hấp dẫn. Với các mô hình 3D và thiết bị cảm biến chuyển động bàn tay, khách thăm quan như đang được “chạm vào” hiện vật, điều mà các triển lãm hoặc bảo tàng truyền thống khó thực hiện được. Không những thế, với các hiệu ứng hình ảnh và âm thanh ấn tượng, khách thăm quan đặc biệt là các em học sinh có cảm giác được “đắm chìm” (immersive) trong các câu chuyện lịch sử. Đây cũng chính là đặc điểm quan trọng mà công nghệ thực tại ảo 3D đem lại cho người xem.

Với các thiết bị trình diễn số hiện đại, triển lãm số đã kích thích sự tự khám phá của công chúng thay vì chỉ tiếp cận thụ động. Sự thay đổi này giúp cho các thông tin, đặc biệt là thông tin lịch sử, trong triển lãm sẽ được công chúng tiếp thu một cách tự nhiên, dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn.

Với giải pháp triển lãm số của CDIT, các triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam có thể được triển khai tại bất kỳ địa điểm nào, đặc biệt tới các tuyến xã, phường hay tại các trường học, công sở, các điểm công cộng hoặc thậm chí trên màn hình tương tác của các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam. Ngoài ra, triển lãm số có thể cài đặt trên website của Chính phủ hoặc các Bộ, ngành, như một cổng thông tin quốc gia về biển, đảo Việt Nam để cộng đồng Internet có thể truy cập.

Bên cạnh giải pháp triển lãm số, trong thời gian tới CDIT sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp công nghệ hỗ trợ tăng cường hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo nói riêng và các hoạt động tuyên truyền khác của Bộ Thông tin và Truyền thông nói chung.

1233 lượt xem